Hợp đồng là gì? Đặc điểm của hợp đồng như thế nào?

Mục Lục
Hợp đồng là thuật ngữ phổ biến và trở nên rất quen thuộc với cuộc sống trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Để hiểu rõ hơn về hợp đồng là gì? Đặc điểm của hợp đồng như thế nào? Hãy cùng Blog Luật Việt tìm hiểu và chia sẻ với bạn đọc trong bài viết này.
Hợp đồng là gì?
Theo Điều 385 của Bộ luật dân sự 2015, Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên (có thể giữa hai bên hoặc nhiều bên) về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự.
Các loại hợp đồng thường dùng hiện nay bao gồm: Hợp đồng lao động, hợp đồng kinh tế, hợp đồng xây dựng và hợp đồng thương mại.
Đặc điểm của hợp đồng như thế nào?
Hợp đồng là thỏa thuận giữa các bên (có thể giữa hai bên hoặc nhiều bên), cùng thống nhất về ý chí, tinh thần tự nguyện và phù hợp với ý chí của Nhà nước.
Hợp đồng là sự kiện pháp lý làm phát sinh các hậu quả pháp lý như xác lập, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự của bên chủ thể trong việc ký kết hợp đồng.
Nội dung giao kết của hợp đồng là các quyền và nghĩa vụ mà các bên chủ thể trong hợp đồng thỏa thuận và cùng nhau thực hiện theo cam kết.
Mục đích của hợp đồng là phải đảm bảo lợi ích hợp pháp giữa các bên, không được làm trái với đạo đức và các chuẩn mực của xã hội. Chỉ khi đáp ứng được lợi ích giữa các bên thì hợp đồng mới được thừa nhận là có tính hợp pháp và có giá trị lâu dài.
Hình thức của hợp đồng
Đây là cách thức thể hiện hợp đồng để ghi nhận sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Các bên có thể thỏa thuận về hình thức của hợp đồng bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể nào đó.
Khi các bên thỏa thuận giao kết bằng một trong ba hình thức trên, hợp đồng đó được xem xét là đã giao kết và phải tuân theo những quy định về hình thức đó.
Trong một số trường hợp, pháp luật có quy định về việc hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản và phải có công chứng, chứng thực. Khi đó hình thức của hợp đồng bắt buộc phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
Nội dung của hợp đồng
1/ Đối tượng của hợp đồng
Mỗi hợp đồng đều có đối tượng cụ thể được ghi nhận trong hợp đồng. Ví dụ khi giao kết hợp đồng mua bán xe máy, đối tượng của hợp đồng chính là xe máy.
2/ Số lượng, chất lượng
Tùy vào đối tượng của hợp đồng đó như thế nào để các bên ghi đúng số lượng, kiểm tra chất lượng hàng hóa, sản phẩm của hợp đồng khi giao kết để đảm bảo đúng số lượng, yêu cầu về chất lượng đúng như hợp đồng.
3/ Giá và phương thức thanh toán
Đây là giá trị đối tượng của hợp đồng mà các bên thực hiện giao kết. Ví dụ khi hai bên thực hiện giao kết hợp đồng mua bán xe máy, hai bên tiến hành thỏa thuận giá bán của xe tức là giá trị của hợp đồng mua bán.
Khi xác định được giá trị của hợp đồng, các bên thỏa thuận sẽ phải kèm theo phương thức thanh toán hợp đồng. Thông thường là tiền mặt, chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng, hay bên thứ ba thu hộ,…
4/ Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng
Trong trường hợp các bên không có sự thỏa thuận về thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng thì nội dung này được xác định theo quy định riêng với từng loại hợp đồng mà các bên thực hiện giao kết hoặc áp dụng theo quy định của Luật dân sự.
5/ Các quyền và nghĩa vụ của các bên
Dựa vào đối tượng, nội dung, giá trị của hợp đồng và dựa trên các quyền lợi của các bên để quy định các quyền và nghĩa vụ cụ thể trong hợp đồng. Các bên có thể xem xét ghi nhận các quyền, nghĩa vụ được ghi nhận tại các điều khoản trước và bổ sung thêm các điều khoản ràng buộc khác nếu cần thiết.
Hiện nay, tùy vào từng loại hợp đồng khác nhau, pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên tham gia hợp đồng.
6/ Trách nhiệm trong trường hợp vi phạm hợp đồng
Các bên có thể thỏa thuận trách nhiệm trong trường hợp vi phạm hợp đồng về vấn đề phạt, trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra hoặc các trách nhiệm khác do các bên thỏa thuận.
Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận thì vấn đề phạt và trách nhiệm sẽ áp dụng theo quy định pháp luật về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng của từng loại hợp đồng và theo quy định của Luật dân sự.
7/ Cách giải quyết khi có tranh chấp xảy ra
Các bên trong hợp đồng có thể thỏa thuận khi có tranh chấp xảy ra sẽ giải quyết theo phương thức tự hòa giải, thương lượng dựa theo nguyên tắc đảm bảo các quyền và lợi ích của mỗi bên.
Nếu các bên không thể tự giải quyết được thì một trong hai bên có quyền khởi kiện lên Tòa án để yêu cầu giải quyết theo pháp luật.
Trên đây là khái niệm hợp đồng là gì? Đặc điểm của hợp đồng như thế nào? Blog Luật Việt hy vọng đây sẽ là thông tin bổ ích giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm này.