Pháp Luật

Luật Phá sản mới nhất hiện nay

Luật phá sản đang hiện hành là văn bản luật mang số 51/2014/QH13, được ban hành vào ngày 19 tháng 06 năm 2014. Sau đây hãy cùng Blog luật Việt tìm hiểu Luật phá sản mới nhất hiện nay nhé.

LUẬT PHÁ SẢN

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật phá sản.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với doanh nghiệp và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (sau đây gọi chung là hợp tác xã) được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Áp dụng Luật phá sản

  1. Luật phá sản được áp dụng khi giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

  1. Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
  2. Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
  3. Chủ nợ là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ, bao gồm chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần và chủ nợ có bảo đảm.
  4. Chủ nợ không có bảo đảm là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ không được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba.
  5. Chủ nợ có bảo đảm là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba.
  6. Chủ nợ có bảo đảm một phần là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba mà giá trị tài sản bảo đảm thấp hơn khoản nợ đó.
  7. Quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.
  8. Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.
  9. Người tiến hành thủ tục phá sản là Chánh án Tòa án nhân dân, Thẩm phán; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm sát viên; Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên trong quá trình giải quyết phá sản.
  10. Người tham gia thủ tục phá sản là chủ nợ; người lao động; doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; cổ đông, nhóm cổ đông; thành viên hợp tác xã hoặc hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã; người mắc nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã và những người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết phá sản.
  11. Lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (sau đây gọi là lệ phí phá sản) là khoản tiền mà người yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp để Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
  12. Chi phí phá sản là khoản tiền phải chi trả cho việc giải quyết phá sản, bao gồm chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chi phí kiểm toán, chi phí đăng báo và các chi phí khác theo quy định của pháp luật.
  13. Chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là khoản tiền phải chi trả cho việc giải quyết phá sản của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
  14. Tạm ứng chi phí phá sản là khoản tiền do Tòa án nhân dân quyết định để đăng báo, tạm ứng chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Điều 5. Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

  1. Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
  2. Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
  3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tácxã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
  4. Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
  5. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.
  6. Thành viên hợp tácxã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tácxã mất khả năng thanh toán.

Điều 6. Thông báo doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán

  1. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khi phát hiện doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho những người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản quy định tại Điều 5 của Luật này.
  2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức thông báo phải bảo đảm tính chính xác của thông báo. Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức cố ý thông báo sai mà gây thiệt hại cho doanh nghiệp, hợp tác xã thì phải bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Điều 7. Trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan

  1. Cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc phá sản có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc phá sản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của chủ nợ, doanh nghiệp, hợp tác xã, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
  2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức không cung cấp được tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 1 Điều này phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do, nếu cố ý không cung cấp tài liệu, chứng cứ mà không có lý do chính đáng thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Bạn có thể xem chi tiết luật tại đây:

Trên đây là văn bản Luật phá sản mới nhất hiện nay. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết.

Tham khảo thêm:

Luật Đầu tư

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Back to top button